Cao nguyên đá ở địa đầu nước Việt có những ngọn núi cao chạm trời, những vực thẳm sâu tận âm phủ, những con đường đi trên mây… Chảy theo địa hình cánh cung, sông Gâm, sông Năng và sông Nho Quế là những con sông hùng vĩ. Đó là ngọn nguồn sự sống của người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng và những dân tộc khác trên cao nguyên đá khắc nghiệt. Mời bạn đọc cùng “Bước chân khám phá” chúng tôi ngược các dòng sông qua vách đá đến với con người và xứ sở kỳ lạ này.
Kỳ 1: Cánh cung sông Gâm
SGTT.VN - Cánh cung sông Gâm nằm ở phía nam cao nguyên Lang Ca Phu bắt đầu từ đỉnh Pu Ta Ca cao 2.270m đến đèo Khế. Sông Nho Quế, sông Năng từ Vân Nam đổ về Hà Giang, Cao Bằng nhập với sông Gâm chảy theo cánh cung tạo bằng đá phiến, thạch anh và đá vôi nằm trên lõi đá kết tinh cổ tạo thành kiệt tác thiên nhiên hùng vĩ có một không hai ở Việt Nam.
Hai anh em anh Nguyễn Văn Quang từ Tuyên Quang ngược sông Gâm lên đến Bắc Mê của Hà Giang để săn cá anh vũ. |
Hành trình anh vũ
Sông Gâm trong quá khứ gắn liền với loài cá anh vũ dùng để tiến vua và cúng thần linh. Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá sông Gâm từ Na Hang, nơi ngã ba sông Năng và sông Gâm gặp nhau, địa điểm cư trú nổi tiếng của loài cá anh vũ trước đây. Bây giờ, tại ngã ba sông, đứng trên bờ đập tràn thuỷ điện Tuyên Quang nhìn xuống chỉ thấy hồ nước mênh mông không bờ. Đỉnh núi Pác Tạ tất nhiên thấp hơn và ngôi đền nổi tiếng thờ người thiếp của Trần Nhật Duật đã phải dời lên lưng chừng núi khi thuỷ điện tích nước. Thuỷ điện Tuyên Quang công suất 342MW, lớn sau thuỷ điện Hoà Bình, tích nước tối đa 1,5 tỉ mét khối đi vào hoạt động từ năm 2009 đã biến phần lớn sông Gâm chỉ có chiều dài 217km này thành một biển nước khổng lồ. Anh Thái, một ngư dân chuyên nghề đánh cá nổi tiếng trên sông Gâm ở Na Hang nói: “Cá anh vũ ở Na Hang này không có nữa. Nó là loài cá quý phái, chỉ ăn rêu, ở trong những hang đá có dòng nước trong và chảy thường xuyên. Hai năm nay không ai bắt được. Hồ thuỷ điện không phải là nơi ở của loài cá này. Có lẽ nó đã chạy lên trên ngã ba Bảo Lâm!” Chị Nga, chủ nhà hàng Nga Viên ở Na Hang, chuyên bán cá sông Gâm cũng than: “Trong “ngũ quý hà thuỷ” của sông Gâm bây giờ thỉnh thoảng mới có cá chiên, cá lăng, cá bỗng. Hiếm lắm mới bắt được cá rầm xanh còn cá anh vũ không còn nữa!” Chúng tôi ngược dòng lên huyện Bảo Lâm của Cao Bằng, nơi mà theo những người săn cá nói có cá anh vũ nhưng cũng không tìm thấy. Tiếp tục hành trình ngược sông lên Bắc Mê của Hà Giang, ngư dân Nguyễn Văn Quang cho biết: “Năm ngoái, em trai tôi có bắt được một con cá anh vũ nặng 0,5kg, bán được 4 triệu, từ đó tới nay không thấy nữa!” Anh Quang quê ở huyện Chiêm Hoá dưới Tuyên Quang là một trong những người săn cá nổi tiếng ở sông Gâm. Hành trình mưu sinh ngược dòng sông Gâm của anh Quang cũng là hành trình đi theo cá anh vũ từ lúc anh mới 17 tuổi đến nay. Trước đây anh đã từng bắt được nhiều con anh vũ nặng tới 3 – 4kg. Muốn bắt loài cá này phải lặn xuống vực sâu có hang đá. Nhiều thợ săn anh vũ đã từng tuyệt mạng. Anh Quang nói, theo kinh nghiệm chỉ nhìn là biết có cá liền nhưng nay nước hồ thuỷ điện dâng lên tới Bắc Mê thì cá không còn nữa. Nước dâng tới đâu cá anh vũ ngược dòng tới đó và cuối cùng bị chặn đứng ở những thuỷ điện bậc trên nên có lẽ đã tuyệt diệt. Anh vũ cùng họ cá chép, danh pháp khoa học là Semilabeo notabilis, sống ở tầng đáy sâu, nước chảy mạnh, có nhiều rêu đá. Sách đỏ Việt Nam xếp cá anh vũ ở mức độ đe doạ V (Vulnerable). Mức độ V có nghĩa là “có thể bị tuyệt chủng” nhưng trên thực tế hiện nay nó đã tuyệt chủng rồi!
Mỏ tôm Pó Củng
Pó Củng ở cạnh trung tâm huyện Bắc Mê, phía đông tỉnh Hà Giang, nằm sát sông Gâm. Pó Củng tiếng Tày có nghĩa là mỏ tôm. Cả bản 24 nóc nhà trên bãi bồi, lưng tựa vào núi, hiện tại sống chủ yếu bằng nghề trồng ngô. Ngược dòng thời gian, Pó Củng được biết đến bởi một người phụ nữ mà những người già ở bản này gọi là bà Chúa. Trong một lần đi bắt cá sông Gâm, bà Chúa tình cờ phát hiện một hang nước đá vôi nhỏ chỉ bằng cái ché rượu. Mùa đông nước trong hang rất ấm, mùa hè nước mát, chảy quanh năm. Thật lạ kỳ, tất cả tôm của sông Gâm ở khu vực này tập trung sống trong hang. Khoảng rạng sáng, tôm từ hang túa ra sông hàng đàn, dày đặc cả mặt nước. Buổi chiều, tôm lại kéo về chui vào hang. Ban đêm, chỉ cần đặt một cái lọp chắn cửa miệng hang, sáng ra cả lọp đầy tôm. Không ai biết hang nước ngầm dài bao nhiêu nhưng người Tày ở Pó Củng tin rằng lòng hang của mỏ tôm rất rộng, ăn thấu vào núi Nà Loáng. Bà Chúa sở hữu mỏ tôm, thuê người bắt tôm đi bán khắp vùng. Anh Kiêm, trưởng bản Pó Củng kể: “Bố tôi nói, bà Chúa bán tôm mua được rất nhiều bò, nhiều trâu, làm nhà sàn lớn. Sau này dân làng kiện, bà Chúa phải chia đều cho dân”. Tới đời bố anh Kiêm, dân bản tổ chức khai thác mỏ tôm luân phiên. Mỗi gia đình quy ước được bắt tôm một ngày. Hàng năm, vào mùa hè, cả bản ngưng bắt tôm một tháng. Đó là dịp họ tổ chức cúng mỏ linh đình tạ ơn thần hang ban phát tôm cho dân bản. Khi chúng tôi đến Pó Củng, việc bắt tôm ở mỏ không còn nữa. Nhiều gia đình đã phá bỏ hết lưới, lọp. Anh Kiêm buồn rầu nói: “Thuỷ điện Tuyên Quang dâng lên đây ngập mỏ tôm, có lẽ chúng đã rủ nhau tự tử tập thể trong lòng núi Nà Loáng hết rồi!” Mỏ tôm bây giờ chỉ còn lại địa danh Pó Củng. Người dân ở đây luôn kể về nó với niềm tiếc nuối vô hạn một thời sông núi hào sảng. Với lưu vực 14.792km2, sông Gâm dài 297km, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài 217km. Địa hình núi đá vôi đã tạo nên nhiều hang động hai bên bờ. Người dân sống ven sông Gâm từ Tuyên Quang, Cao Bằng đến Hà Giang nhiều đời nay thường xem những hang động ngầm này là một báu vật của thần linh dành cho con người. Cứ cách nhau vài bản, những hang ngầm lại xuất hiện mỏ cá mỏ tôm. Mỏ Chiêm Hoá toàn cá chiên, mỏ Na Hang nhiều rầm xanh, mỏ Lý Bôn cá anh vũ, Pó Củng toàn tôm… Tất cả bây giờ đã chết. Hình ảnh cá tôm rủ nhau hàng đàn tự tử tập thể như suy luận của anh Kiêm ở Pó Củng cứ mãi ám ảnh chúng tôi suốt cuộc hành trình. Khi thiên nhiên không còn ban tặng thì con người thông minh đã đến lúc phải tự vấn chính mình!
Kỳ 2: Ngược dòng sông Năng
SGTT.VN - Rượu ngô ở Trung Quốc được gọi là ngọc mễ tửu. Ở Mỹ, dân cao bồi miền Tây gọi là whiskey. Chúng tôi lên Việt Bắc, được mời nếm rượu ngô men lá Na Hang ngon nổi tiếng. Như thể để bổ sung thêm niềm tự hào về rượu ở xứ sở này, Bàn Thị Triều, cán bộ văn hoá huyện Na Hang (Tuyên Quang) mời chúng tôi về nhà ở xã Sơn Phú nếm thêm hương vị rượu báng trước hành trình ngược dòng sông Năng.
Quê nhà dưới làn nước
Một phần xã Sơn Phú nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung của Tuyên Quang. Người Dao ở đây sống bằng nghề rẫy, làm nhà trên núi cao và tự làm rượu từ cây báng để uống. Tôi đồ rằng người Dao rất quý rượu. Chúng tôi tới nhà Triều vào buổi chiều tà. Trong căn nhà hơi tối, bố cô ngồi uống rượu một mình trong góc. Ở một góc khác, mẹ cô cũng ngồi lặng lẽ uống rượu một mình. Thấy có khách, mẹ Triều xuống nhà bếp lấy lên hai chai rượu lớn. Một chai rượu ngô, một chai rượu báng. Chúng tôi ngồi uống rượu với nhau. Ông bố rất trẻ, luôn cười hiền lành, trách nhẹ sao không báo trước để làm thịt gà đãi khách. Bà mẹ thì không nói một lời, chỉ im lìm đưa ly ra mỗi khi chúng tôi rót rượu. Hết ly này đến ly khác. Không ai nói với ai lời nào. Chỉ lặng lẽ uống, lặng lẽ thở dài. Dường như có một nỗi buồn đang đi qua trong gia đình người Dao bé nhỏ giữa cộng đồng này. Hoá ra, nỗi buồn có thật được hé lộ khi bữa rượu gần tàn.
Căn nhà nền đất của gia đình Triều nằm sát đường là nhà tái định cư theo một mô hình giống nhau. Triều chỉ lên ngọn núi trước nhà kể: “Trước đây nhà của em ở trên đỉnh đó. Đường quá sát vực nguy hiểm nên chuyển xuống khu tái định cư. Đứa em của em vừa mất tháng trước vì bị tai nạn rơi xuống vực. Nó học rất giỏi. Bố mẹ và cả nhà buồn lắm! Thực ra Sơn Phú không phải là nơi tụi em sinh ra. Bố đi ở rể bên Khâu Tinh, mới chuyển về đây khi nhà ngoại nằm dưới mực nước lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang”. Trên thực tế, quê hương của cô gái người Dao này chỉ còn trong ký ức. Khâu Tinh, trong tuổi thơ của Triều là căn nhà nhỏ của bà ngoại sát bờ sông Năng. Chiều chiều, lũ trẻ nhỏ trong bản chơi đùa trong sân rồi cùng nhau nghịch nước ở bến nước gần nhà. Bây giờ, mỗi lần đi thuyền ngang qua Khâu Tinh dưới làn nước, Triều nói nhớ đến muốn khóc. Sau cái chết của đứa em trai, quê mới của gia đình người Dao này theo quan niệm của họ trở thành vùng đất dữ nhưng biết chuyển về đâu khi quê cũ không còn nữa.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên thuyền từ Sơn Phú ngược dòng sông Năng. Mực nước lòng hồ đang cạn nên hai bên bờ lộ những thân cây đã chết sau một thời gian dài ngâm nước. Thỉnh thoảng, có những ngôi làng dưới lòng hồ hiện ra thấp thoáng với tường xây, nền cũ phủ đầy bùn đất. Một ngôi trường người ta chỉ kịp dỡ bỏ mái ngói vẫn còn nguyên tường, một nóc nhà thờ còn nguyên thánh giá… Tất cả đều hiện ra xám xịt như một ký ức buồn bã của người Tày, người Dao ven sông bị đánh mất quê hương vì hồ thuỷ điện. Thuyền đi ngang khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, xung quanh chỉ non nước và rừng cây hiu quạnh. Chúng tôi dừng lại ăn trưa trên bè của một xóm chài digan. Họ đến từ Yên Hoa, bị mực nước đuổi dần vào tới Khâu Tinh, và sẽ còn lang thang ngược nguồn mãi để sinh nhai trong mùa tích nước.
Bò khai Ba Bể
Con xuồng lớn đi hết Khâu Tinh chỉ đến được Đà Vị. Từ Đà Vị chuyển sang đi xuồng lá tre đạp nước vượt cạn đến gần thác Đầu Đẳng. Xuồng tấp vào một cái rẫy bỏ hoang. Đứa bé người Dao lái xuồng chỉ tay lên ngọn núi trước mặt nói: “Đi thẳng theo hướng đó năm cây số nữa thì tới nơi có dân bản ở. Tìm đường mòn mà đi!” Lúc đó đã 4 giờ chiều. Khi chúng tôi nhận thấy sự sai lầm chết người thì những chiếc xuồng lá tre đã xuôi dòng ra xa. Lẽ ra nên ở lại Đà Vị một đêm đợi sáng ngày mai. Sự sai lầm đã khiến chúng tôi bị bỏ rơi ở một khu rừng lạ không một bóng người. Mặt trời xuống nhanh trên ngọn cây cổ thụ chết khô và bầy quạ đen kêu quàng quạc. Không còn con đường nào khác ngoài con đường mòn xuyên rừng men theo thác Đầu Đẳng nổi tiếng cao trên 500m.
Băng qua cái rẫy hoang chúng tôi gặp lối mòn đi lên. Càng đi lối mòn càng nhỏ, dốc cao và rừng già với vẻ đen tối đầy đe doạ. Rõ ràng chúng tôi đã thiếu kinh nghiệm để dự đoán trước tình huống này. May mắn thay con dốc kết thúc mở ra đoạn đường bằng phẳng khi ve rừng đổ hồi cuối. Gần hai tiếng đồng hồ sau đã tới lại bờ sông Năng. Dòng sông ở đoạn này bằng phẳng lạ lùng. Hai bên bờ, trúc dây đặc hữu của rừng nhiệt đới ẩm thường xanh trên núi đá vôi ở Ba Bể rủ xuống như những bức mành. Bỗng nhiên có tiếng khua nước róc rách của thuyền độc mộc và tiếng người gọi nhau trong bóng tối hoàng hôn. Trong tình huống đó, tiếng người như một sự cứu cánh. Ai nấy mừng rỡ khôn xiết khi thấy nóc nhà sàn hiện ra. Chút ánh sáng cuối ngày còn sót lại để nhìn thấy rõ những làn khói bếp ban chiều ấm áp.
Bản Đầu Đẳng chỉ có vẻn vẹn chín nóc nhà và một trạm kiểm lâm. Hai vợ chồng ông Hiến, một người Tày ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) vào đây bán hàng vặt cho người qua đường vui vẻ mời khách vào nhà ở lại. Bữa cơm đầu tiên ở Ba Bể là bữa cơm nhớ đời bởi đói và vui. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được nếm mùi vị của rau bò khai mà chủ nhà nói “mới hái ở núi sát sau nhà”. Cá suối nướng trong bếp lò than, rau bò khai xào thịt treo hết đĩa này được đề nghị đĩa khác. Chủ nhà tế nhị: “Tôi sợ các anh ăn không quen chứ chúng tôi ở đây quý lắm, bò khai có vị thuốc. Vị thuốc này khai khai mùi… nước đái bò nên người ta gọi vậy!” Lúc đó chúng tôi mới té ngửa ra. Không hiểu do chai rượu ngô men lá ngây ngất hay do không khí thân thiện khiến chúng tôi liên tưởng tới mùi vị của loại bia tươi lúa mạch đen ở xứ Đông Âu hiện diện qua đĩa rau rừng lạ lẫm.
Bò khai tên khoa học là Erythropalum scandens blume thuộc họ dây hương. Người Tày gọi bò khai là dạ hiến, khau hương, người Dao gọi là long châu sói… Loại rau rừng này có mặt ở tất cả các vùng núi phía Bắc nhưng nhiều nhất ở vườn quốc gia Ba Bể. Từ xa xưa, người dân bản địa ở phía Bắc đã biết ăn rau bò khai để chữa các bệnh viêm gan, viêm thận, đường tiết niệu… Những ngày ở Ba Bể, chúng tôi mới thấy người dân ở đây hết sức quý loại rau rừng thông dụng này. Món đầu tiên mời khách nếm thử của người dân bản địa chính là món bò khai xào thịt treo như ở nhà ông Hiến. Cách bản Pú Lò ở Ba Bể bốn cây số, chợ phiên Nam Cường họp thứ năm hàng tuần. Sáng sớm, những cô gái Mông hoa, Mông xanh ở các bản xa đã về chợ lắt lẻo trên vai những gùi rau bò khai. Ba Bể, viên thạch bích giữa núi rừng ngoài cảnh sắc kỳ vĩ còn lưu giữ khách bằng hương vị của rừng và sự thân thiện đầy cảm mến!
Bên Dòng Nho Quế
SGTT.VN - Pác Miều hiền hoà với những chiếc bè mảng sông Gâm. Thị trấn nhỏ vùng cao đón khách bằng món thịt chua Cao Bằng nổi tiếng nồng men rượu. Từ đây, ngược thêm chỉ 14km là gặp ngã ba sông Gâm ở Lý Bôn. Chúng tôi chạm vào dòng Nho Quế kỳ bí dưới vách đá trong hành trình men theo dòng nước này tới sơn nguyên đá Hà Giang.Mèo Qua lơ lửng
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc với tên gọi Phổ Mai Hà chảy qua Việt Nam ngay địa đầu Lũng Cú. Trên chiều dài ngắn ngủi 46km từ Hà Giang đến Cao Bằng, dòng Nho Quế xanh màu ngọc lục bảo xuyên qua những vách đá cao hun hút ở đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ nhất Việt Nam. Trên con đường dốc từ Khuổi Vin đến Mèo Vạc, thỉnh thoảng ngó xuống vực sâu thấy dòng Nho Quế nhỏ như sợi chỉ từ trời đổ xuống. Tạm biệt Cao Bằng trên đỉnh dốc, anh tài xế dừng xe lấy một cây thép dài hơn một mét đóng ngập xuống lòng đất thay cho việc thắp hương nguyện cầu bình yên trên những cung đường hiểm trở. Sùng Mí Xá, cán bộ phòng văn hoá huyện Mèo Vạc hỏi: “Có biết cao nguyên đá Mèo Vạc hiểm trở nhất chỗ nào không?” Tôi trả lời ngay là Mã Pì Lèng. Anh Xá nói: “Mã Pì Lèng ngày xưa, bây giờ đã có đường rồi. Ngày mai vô Cán Chu Phìn, tới dốc Chín Thang, dốc Bảy Thang thử coi!” Chúng tôi ngạc nhiên, không lẽ nơi này còn có chỗ hiểm trở hơn Mã Pì Lèng?
Tôi sực nhớ địa danh Cán Chu Phìn qua nhân vật Sùng Choá Vàng trong bút ký Trở lại Mèo Vạc của nhà văn Nguyên Ngọc. Đó là một cao nguyên đá, một thung lũng đá cạnh dãy núi ở Sơn Vĩ, mùa xuân hoa mạch ba góc nở trắng hồng, mùa hè lan huyết nhung renanthera vietnamensis đỏ tựa màu máu, mùa đông thỉnh thoảng tuyết rơi. Sùng Mí Xá trước đây là cán bộ đội chiếu phim lưu động, một tuần trèo dốc Chín Thang hai lần, lặn lội khắp các bản xa vùng biên giới. Bây giờ, anh đưa chúng tôi trở lại Cán Chu Phìn trong vai trò người dẫn đường và phiên dịch. Phần lớn người H’mông ở Cán Chu Phìn không nói được tiếng phổ thông. Đoạn đường chữ chi 22km từ Mèo Vạc vô Cán Chu Phìn băng qua cao nguyên đá tới bản Mèo Qua quả là con đường thử thách lòng người. Đường hẹp chưa tới sải tay, đá tai mèo lởm chởm. Thật khó khăn để tìm một chỗ đất bằng đặt lọt bàn chân cho đỡ đau. Dưới chân, bên mình, trên đầu bao phủ một màu đá xám ngắt lạnh lùng.
Bản Mèo Qua nằm cuối cao nguyên đá Cán Chu Phìn. Bốn mươi bảy nóc nhà lưng chừng trên vách đá nhìn xuống dòng Nho Quế. Người H’mông ở Mèo Qua gùi từng bụm đất bỏ vào hốc đá trồng ngô và mạch ba góc. Núi ở trên đầu sông ở dưới chân nhưng muốn tìm nước uống người ta phải đu mình qua vách đá lên xuống mất sáu tiếng đồng hồ. Từ bao đời nay, dốc Chín Thang là con đường duy nhất của người dân Mèo Qua đi lấy nước hàng ngày. Bên vách đá cuối bản, người ta bắc chín bậc thang bằng cây rừng qua kẽ đá rồi treo mình tụt xuống dòng sông. Con đường sự sống cao hơn 600m, đủ làm rùng mình những kẻ có thần kinh thép. Chúng tôi ngồi suốt cả buổi chiều ở tảng đá hình mũi tàu đầu dốc nhìn dòng Nho Quế nhỏ xíu bên dưới chảy lững lờ như trong giấc mơ. Nhìn sang bên kia là Sơn Vĩ, Lũng Làn cao vòi vọi. Trên đỉnh núi đó có một cái đồn mà năm 1979 Trung Quốc không thể nào tấn công nổi.
Ngủ đêm trên mây
Cao nguyên đá thực sự cuốn hút bất cứ người khách lạ nào đã một lần đến đây. Một vùng núi đá bao la trùng trùng điệp điệp từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với những cung đường trên mây, những bản làng trên mây và sự sống con người trên đá luôn đem lại những ấn tượng mạnh mẽ lạ lùng. Chúng tôi chia tay Mèo Vạc vượt Mã Pì Lèng trong buổi sáng chợ phiên sau khi lót dạ bằng thắng cố và rượu ngô mà anh Sùng Mí Xá khuyến cáo cảnh giác vì men Trung Quốc. Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn là con đèo hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, được mở ra bằng kỳ tích sáu năm gần 3 triệu lượt ngày công, 3 triệu mét khối đá và 11 tháng đội cảm tử treo mình trên vách đứng ở độ cao 1.600m để đục con đường công vụ qua chỗ sống mũi ngựa hiểm trở nhất bằng phương tiện thủ công. Thử bước xuống khỏi ôtô, nhoài người ra nhìn xuống vực, cũng đủ rợn ngợp để hiểu công việc của đội cảm tử quân ngày xưa trước mỗi ngày làm việc đều phải đối diện với 17 chiếc quan tài đặt sẵn trong lán. Trước Mã Pì Lèng, người H’mông ở cao nguyên đá không có con đường. Muốn vượt núi để sang bên kia phải đóng cọc, cột dây đu mình lơ lửng bò qua.
Bây giờ, trên đỉnh cao gần 2.000m so với mực nước biển, người ta đã xây một trạm nhỏ dừng chân, lập bia ghi nhớ Cung Đường Hạnh Phúc. Từ trạm dừng chân này, phóng tầm mắt xuống dưới lại thấy dòng Nho Quế lững lờ như con rắn lục xanh bí ẩn trườn mình qua vách đá Tà Làng cao bậc nhất Việt Nam trong cảm giác rợn ngợp. Lạ lùng hơn, trong màn sương mờ quanh năm trên đỉnh núi ẩn hiện những con đường chữ chi như sợi chỉ đi xuống dòng sông và thấp thoáng những bóng áo xanh đu mình trên vách tỉa ngô trong hốc đá. Lâu lâu lại có vài nếp nhà của người H’mông trơ trọi trong mây. Không một ai giải thích cặn kẽ được vì sao người H’mông thích làm nhà trên độ cao và bàn chân của họ bẩm sinh có cấu trúc nano để bám vào vách núi hay không mà chưa hề bị trượt ngã. Chỉ biết khi nhìn lên một ngọn núi thấy một nóc nhà hay một bản nhỏ thì nóc nhà trên cao nhất chính là nhà của người H’mông. Từ đó, muốn đi lấy nước dưới dòng Nho Quế người ta phải theo con đường kẻ chỉ chữ chi có chỗ mất nửa ngày đường.
Bản Mã Pì Lèng trên đỉnh mù mây may mắn hơn bởi một nguồn nước từ kẽ đá đủ duy trì sự sống cho gần hai chục gia đình. Căn nhà trình tường có bờ rào đá của ông trưởng bản thấp lè tè, đầy bồ hóng và tối hù. Thào Mí Cáy, cán bộ của xã Pải Lủng chui vào bếp đốt lửa lên giữa ban ngày để thấy rõ mặt người. Lần đầu tiên nhà trưởng bản có khách ngủ lại nên ông đâm ra bối rối. Ông đưa chúng tôi trèo lên giàn bếp xem kho thịt treo của ông. Thào Mí Cáy nháy mắt nói số thịt đó ăn đủ một năm và chỉ có ở bản Mã Pì Lèng này người ta mới treo thịt giàn bếp quanh năm mà không sợ hư bởi không khí lạnh. Sương xuống rất nhanh trong buổi chiều bên những bát rượu ngô đầy ngà ngật. Xong cuộc rượu Thào Mí Cáy rủ chúng tôi lên trường tiểu học Pải Lủng cách bản 6km để uống rượu ngô tiếp và tập múa khèn. Còn lâu chúng tôi mới tập được điệu múa duyên dáng như con công tỏ tình của đàn ông người H’mông với hai bàn chân nhịp đôi lại nhảy lò cò vỗ vào nhau mà không bị ngã. Nửa đêm, trong cái lạnh buốt xương ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, chúng tôi thức giấc khi nghe hơi lửa ấm và tiếng nồi chõ lịch kịch cùng mùi mèn mén ngô thơm lừng cho cả ngày hôm sau…
Lên xuống Cổng Trời
SGTT.VN - Rời khỏi phố cổ Đồng Văn, thung lũng Sà Phìn hiện ra dưới rừng sa mu cổ thụ. Những mái nhà của dinh vua Mèo hoang lạnh trong sương chiều. Xuôi dốc Chín Khoanh về tới Yên Minh, màu xanh của rừng thông đã bắt đầu thay dần màu đá tai mèo xám xịt.
Con đường thảo quả
Tam Sơn duyên dáng bên cạnh hai quả núi đôi gần sát huyện lỵ Quản Bạ. Chưa đến mùa nhưng chợ Tam Sơn đã thơm lừng mùi thảo quả trong những hàng khô. Hẳn nhiên, con đường thảo quả Tam Sơn – Tùng Vài – Lũng Vài – Cao Mã Pờ chưa đến mùa nhộn nhịp nhưng những cô gái người Dao vẫn gùi thảo quả khô để dành ra chợ phiên Tùng Vài bày bán. Con đường thảo quả từ Tam Sơn vào Lũng Vài gập ghềnh bên vách núi. Cao Xuân Nghì, chủ tịch xã Lũng Vài nhiệt tình nói: “Tôi phải đưa các anh vào rừng thảo quả. Nếu không lạc qua đất Trung Quốc là cái chắc!” Bản Thăng, trung tâm của thảo quả Lũng Vài khá bằng phẳng không khác gì những ngôi làng ở đồng bằng. Con đường đất hẹp dẫn vào khe Nước Lớn bỗng bất ngờ dựng đứng. Rừng nhiệt đới tầng dưới ẩm nhiều cây dương xỉ và rêu phong. Mất bốn tiếng đồng hồ trèo núi, cánh rừng bỗng dậy lên mùi thảo quả. Bạt ngàn thảo quả dưới tán rừng già đang mùa nảy mầm, ra hoa đỏ chói. Không một chút nắng xuyên qua nhưng giữa rừng hoa như thắp lửa sáng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một lán trại của những người làm thảo quả đang đóng kín cửa. Cao Xuân Nghì khoe: “Thảo quả bản Thăng đứng đầu cả vùng. Hơn 500 hecta. Mùa thu hoạch thảo quả tháng 8 mà các anh vào rừng thì vui lắm. Cả bản sống ở trong rừng hàng tháng trời để hái rồi đốt lửa sấy khô. Đêm đêm rừng thảo quả dậy tiếng hú gọi nhau í ới!” Từ bản Thăng, con đường thảo quả Quản Bạ xuyên qua Cao Mã Pờ ra chợ phiên Tùng Vài ngày thứ năm và con đường chính của thảo quả đi qua Trung Quốc, nơi người dân ở đó có nhu cầu dùng thảo quả trị bệnh hoặc làm gia vị trong thức ăn hàng ngày. Thảo quả thuộc họ gừng, được nhắc đến từ lâu trong các bài thuốc. Sách Bản thảo chính nghĩa ghi: “Thảo quả vị cay, tính ôn táo. Thiên về trừ hàn thấp mà ôn táo trung cung cho nên thảo quả là vị thuốc chủ yếu để trừ hàn thấp ở tỳ vị. Ở vùng rừng núi, khí độc sương mù đều là loại âm thấp tà, dễ làm tổn thương chính khí, muốn trừ khí độc phải dùng loại ôn táo…” Chúng tôi ăn trưa ở bản Thăng khi rời rừng thảo quả. Ông Sơn, một người trồng thảo quả nổi tiếng, trên đường về vừa đi vừa bứt rau rừng và bẻ măng thảo quả. Món chân giò nướng thảo quả và măng thảo quả xào thịt treo sẽ còn theo mãi trong ký ức của tôi với mùi vị nồng nàn thơm thảo của những người Nùng, người Dao sát vùng biên giới xa xôi. Bản Thăng – chúng tôi ước mơ sẽ trở lại đây trong mùa thảo quả để nghe mùi thơm dậy lên và những tiếng cười giòn tan lấp ló dưới tán rừng xanh mướt.
Người Pà Thẻn bí ẩn
Chia tay Quản Bạ ở Cổng Trời. Địa điểm nổi tiếng này không mang lại ấn tượng gì bởi chúng tôi đã đi theo con đường từ trên cao xuống thấp. Ở bên dưới Cổng Trời có một điều thú vị đang háo hức vẫy gọi: tộc người Pà Thẻn bí ẩn ở huyện Quang Bình của Hà Giang. Pà Thẻn còn có tên khác là Pà Hưng, Mèo Lài, Bát Tiên tộc… dân số chỉ khoảng 7.000 người. Năm 2008, cô gái Phù Thị Thiên đã làm ngạc nhiên người Hà Nội bằng lễ hội nhảy lửa giữa thủ đô. Khi chúng tôi tới bản My Bắc, thật không may Phù Thị Thiên không có ở nhà. My Bắc là nơi sống tập trung của người Pà Thẻn với nhà đất có bờ rào cây sạch sẽ ngăn nắp.
Từ bốn giờ chiều, thầy cúng Sìn Cao Phong đã cho thanh niên trai tráng chất một đống củi to, cao gấp đôi đầu người trước sân trường tiểu học. Rất đông trẻ con, người già tụ tập tới đây hứa hẹn một đêm nhảy lửa hết mình. Ngoài 60 nhưng thầy cúng Sìn Cao Phong trông vạm vỡ trai tráng. Ông học nghề cúng từ người bố suốt chín năm và trải qua ba giai đoạn thử thách nghiêm ngặt cam go còn hơn cả các sư chùa Thiếu Lâm luyện tập. Những người Pà Thẻn biết nghề cúng nay đếm không quá trên đầu ngón tay. Khi mặt trời vừa xuống núi, thầy Phong ngồi vào bàn làm lễ cầu thần linh xin nhảy lửa với lễ vật đạm bạc một nén hương, một con gà và mười chén rượu. Lễ cúng diễn ra khá lâu, ngọn lửa được châm lên trước khi ông ngồi vào cây đàn sắt hình chiếc ghế với hai thanh gõ nhạc cụ cũng bằng sắt. Âm thanh lời chú kỳ bí quyện với tiếng gõ kim loại huyền hoặc lúc bổng lúc trầm. Đám thanh niên, thiếu niên tham gia nhảy lửa bắt đầu ngồi bệt xuống đất quanh thầy cúng, mắt nhắm nghiền. Ban đầu họ ngồi xa, sau dịch sát lại gần, vây quanh thầy cúng. Đống lửa to sắp biến thành một bãi than hồng. Bỗng nhiên, một thiếu niên trong bọn mắt lờ đờ, nhảy cẫng lên kỳ quái như những con cóc, chồm tới giật lấy một thanh sắt trên tay thầy cúng ngồi đối diện trên chiếc ghế và gõ. Chiếc ghế rung bần bật theo nhịp điệu dồn dã. Có tiếng reo: “Nhập rồi! Nhập rồi! Thần đã về…” Tích tắc sau, thiếu niên nhảy giật cục khỏi ghế, lao mình vào đám than hồng trong tiếng vỗ tay và tàn lửa tung toé. Sau màn dạo đầu, những chàng trai tham gia nhảy lửa lần lượt đờ đẫn giật lấy thanh sắt gõ gióng giả rồi lao vào than hồng. Thầy cúng vẫn điềm nhiên ê a. Đám nhảy lửa đông dần, đông dần. Những chàng say lửa nhào lộn trong đống than đỏ chói, bốc từng vốc lửa đỏ tắm lên đầu, chà vào mắt… Họ nhảy qua nhảy lại, tắm tưới trong lửa hồng như tắm nước lã bình thường và cuối cùng thoát ra ngã vật xuống đất sùi bọt mép bất tỉnh nhân sự!
Buổi chiều, thầy cúng Sìn Cao Phong nói ai cũng nhảy lửa được nếu thần nhập. Chỉ cần mắt tập trung nhìn ngọn lửa, tai tập trung nghe lời chú chừng hơn một tiếng đồng hồ. Khi thấy đống lửa màu hồng chỉ còn lại một đốm xanh lét bằng quả trứng, cảm giác “thèm lửa” sẽ xuất hiện. Một lực đẩy vô hình lôi cuốn người đã nhập nhảy vào mà không bị thương tích. Nhảy lửa chỉ toàn đàn ông, thiếu niên dễ nhập hơn người lớn, người yếu bóng vía cũng mau nhập hơn. Ngày xưa, người Pà Thẻn tổ chức nhảy lửa để cầu may, mừng mùa vụ mới. Dân tộc nhỏ bé này còn nhiều lễ hội thần bí thú vị khác mà chưa ai giải thích được.
bài và ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét